Hiện nay đối với nhiều người dân gặp khó khăn về kinh tế do đó nhu cầu tìm việc làm qua mạng tăng cao, lợi dụng tình trạng trên các đối tượng đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet với các phương thức, thủ đoạn sử dụng vô cùng tinh vi, xảo quyệt, khó xác minh. Nhiều vụ việc tuy đã truy nguyên ra nguồn gốc, nhưng các đối tượng lại rút tiền ngay sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, địa điểm rút tiền thường là ở nước ngoài và tài khoản ngân hàng không chính chủ nên việc tổ chức xác định chính xác được các đối tượng gặp nhiều khó khắn. Tuy đã có nhiều biện pháp phòng ngừa xã hội, điều tra khám phá để xử lý nhiều đối tượng nhưng chúng vẫn lợi dụng được sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình điều tra giải quyết các vụ án, vụ việc Công an huyện Quỳnh Phụ đã xác định một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao thường thực hiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cán bộ, nhân dân thông qua mạng xã hội và các biện pháp tuyên truyền, thông báo phòng ngừa đối với loại tội phạm này như sau:
1. Lừa đảo liên quan đến kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tiền điện tử, giao dịch ngoại hối, chứng khoán trên không gian mạng
Các đối tượng tạo dựng các Website đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo, tiền điện tử, giới thiệu, chào mời, lôi kéo để lôi khách hàng tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn, được các chuyên gia giao dịch hộ, giúp đảm bảo có tiền lãi và không mất vốn bằng cách đóng bảo hiểm và hưởng hoa hồng khi giới thiệu người tham gia. Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền ảo trong từng hệ thống. Sau khi lôi kéo được số lượng lớn người tham gia các đối tượng sẽ can thiệp vào hệ thống hoặc ngừng hoạt động để chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
Lưu ý: Hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền ảo và nó không nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cử văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật. Người dân sẽ chịu toán bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo. Ngoài ra người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các tổ chức, cá nhân không quảng cáo, môi giới, tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
2. Lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên cho các trang thương mại điện tử
Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên làm nhiệm vụ đặt đơn hàng để hưởng hoa hồng trên mạng xã hội. Bị hại truy cập vào các trang web hoặc ứng dụng (App) của các đối tượng để tạo lập tài khoản thực hiện nhiệm vụ đặt đơn hàng. Các đối tượng yêu cầu bị hại phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu. Đối tượng đưa ra mức hoa hồng rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 - 20% và thanh toán 2 đơn hàng đầu tiên có giá trị thấp để lấy lòng tin. Tuy nhiên sau khi bị hại chuyển tiền thanh toán các đơn hàng sau có giá trị lớn hơn, các đối tượng sẽ lấy các lý do như lỗi hệ thống, nội dung chuyển tiền sai, yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền, không hoàn tiền như đã cam kết để chiếm đoạt.
Lưu ý: Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi phát hiện ra trường hợp lửa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Lừa đảo cho vay tiền online lãi suất thấp
Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính, công nghệ tài chính uy tín mời chào người dân vay tiền online. Thủ đoạn của các đối tượng là mời chào nạn nhân vay vốn với nhiều ưu đãi như cam kết hỗ trợ ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không qua thẩm định, giải ngân trong vòng 1 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp... để thu hút khách hàng. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cải đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay. Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng gửi thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng (đối tượng sử dụng con dấu giả của các ngân hàng) và được yêu cầu đăng nhập ứng dụng để giải ngân. Tuy nhiên, sau đó đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay. Thực tế sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào và mất toàn bộ số tiền đã nộp theo yêu cầu
Lưu ý: Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên cập nhật thông tin trên các kênh chính thống thể tìm hiểu về các dịch vụ của ngân hàng, công ty tài chính đang cung cấp, và nên trực tiếp đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng. Trong trường hợp phát sinh giao dịch vay tín dụng, khi phát hiện bất thường phải thông báo ngay đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
4. Lừa đảo đầu tư đặt cược
Các đối tượng thiết lập các Website, App có chức năng đặt cược như cá cược bóng đá phản tỷ số, đưa ra các thông tin nhằm lôi kéo người chơi như phần trăm lợi nhuận cao, bảo toàn vốn 100% và có thể rút cả tiền lãi lẫn gốc về tài khoản ngân hàng bất cứ lúc nào, người chơi lập tài khoản, nạp tiền vào tài khoản và đặt cược theo hướng dẫn của các đối tượng giới thiệu là chuyên gia. Ban đầu khi nạp và chơi với số tiền nhỏ các đối tượng sẽ để cho người chơi rút tiền về, đến khi người chơi nạp tiền và chơi lãi với số tiền lớn thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do để người chơi không rút tiền về được, yêu cầu chuyển thêm tiền để chiếm đoạt.
Lưu ý: Người dân không tham gia bất cứ Website, ứng dụng có chức năng đặt cược nào, ngoài mất số tiền đã đầu tư từ việc tham gia các sàn cá cược còn có dấu hiệu của tội đánh bạc.
5. Lừa đảo trúng thưởng, được tặng quà
Các đối tượng là người Việt Nam hoặc người nước ngoài thông báo bạn đã trúng thưởng, được tặng quà của các công ty, tổ chức lớn, uy tín như qua gọi điện thoại trực tiếp, gửi tin nhắn điện thoại, thông báo qua Facebook, Zalo… Để nhận được quà tặng, khách hàng phải trả phí vận chuyển, tiền đặt cọc, cung cấp các thông tin giấy tờ tuỳ thân, số Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng... Khi khách hàng trả phí vận chuyển, tiền đặt cọc, cung cấp các thông tin giấy tờ tuỳ thân xong sẽ không thể nào liên lạc với số điện thoại, ních Fabook, Zalo… thông báo được nữa hoặc khách hàng sẽ nhận được những quà tặng kém chất lượng trị giá không bằng số tiền đã trả phí vận chuyển, tiền đặt cọc. Mặt khác các đối tượng sẽ sử dụng giấy tờ tuỳ thân, số Căn cước công dân, số thẻ ngân hàng… của khách hàng vào những việc vi phạm Pháp luật.
Lưu ý: Người dân cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, cảnh giác với các thông tin mà các đối tượng lạ cung cấp. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ, khi phát hiện bất thường phải thông báo ngay đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
6. Lừa đảo nộp phạt nguội vi phạm giao thông hoặc đang bị điều tra về một vụ án
Các đối tượng giả danh cán bộ nhà nước như: Cảnh sát giao thông, viện kiểm sát, toà án… tại một số tỉnh, thành phố nhắn tin, gọi điện thoại thông báo bạn đã vi phạm Luật giao thông hoặc đang bị điều tra về một vụ án. Sau đó các đối tượng yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng hoặc yêu cầu cung cấp số Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng…Tiếp đó yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, bạn bè, kể cả với nhân viên ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng còn đe doạ nếu không chấp hành nộp phạt thì cơ quan chức năng sẽ dùng các biện pháp mạnh khác.
Lưu ý: Khi người dân bị vi phạm giao thông hoặc có liên quan đến vụ án nào thì cơ quan Công an, viện kiểm sát, toà án… trực tiếp gửi thông báo hoặc giấy mời bằng văn bản đến địa chỉ nơi thường trú. Người dân cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ. Khi phát hiện bất thường phải thông báo ngay đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
7. Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
Các đối tượng là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giả danh người thân, bạn bè, cán bộ nhà nước, nhân viên ngân hàng… gửi đường Link qua Facebook, Zalo hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác của bạn mục đích yêu cầu cập nhật thông tin, chuyển tiền có thiết kế giống như Website của ngân hàng thật (nhưng thường có đuôi .weebly thay vì .com hay .vn). Sau đó yêu cầu nạn nhân đăng nhập và cung cấp mật khẩu, mã OTP, số Căn cước công dân… để giao dịch. Tiếp đó các đối tượng sử dụng các thông tin nạn nhân cung cấp để chiếm quyền kiểm soát tài khoản của nạn nhân.
Lưu ý: Khi người dân cần chỉnh sửa, cập nhật các thông tin hoặc giao dịch thì nên sử dụng các phần mềm ứng dụng chính thống của các ngân hàng hoặc nên trực tiếp đến các điểm giao dịch của các ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ, khi phát hiện bất thường phải thông báo ngay đến ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm có yếu tố sử dụng công nghệ cao và biện pháp phòng ngừa.
UBND xã An Hiệp thông báo đến toàn thể cán bộ và nhân dân trong xã nắm được để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm./.
|
TM. UBND XÃ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tự
|